024 3554 4833

Hoạt động liên tục 24/7

  |  

Cần chủ động phòng tránh rối loạn tâm thần trong học sinh, sinh viên

Trầm cảm, căng thẳng, lo âu đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực trong cuộc sống của nhiều người, nhất là với học sinh, sinh viên. Các bệnh lý thần kinh này đang khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau và ở thể nặng, hầu hết người mắc chứng trầm cảm thường sẽ tìm hướng xử lý rất tiêu cực.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường, nhất là tại các đô thị lớn, như: Áp lực học tập, đặc biệt vào mùa thi; các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái; những thói quen sống không lành mạnh .v.v... Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe và khi kết quả học tập không tốt lại tạo ra áp lực lớn hơn, dẫn tới một vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.

Theo tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 10% - 20% trẻ em và thanh, thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Một nghiên cứu tại Mỹ của John Elflein (trong năm học 2018-2019) công bố: trong 22 triệu sinh viên đại học và cao đẳng ở Mỹ được nghiên cứu có tới 36% sinh viên có dấu hiệu trầm cảm.

Tại Việt Nam, theo thống kê mới đây của Viện sức khỏe tâm thần Trung ương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tăng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân. Khảo sát sức khỏe tâm thần học sinh trường học thành phố Hà Nội bằng công cụ SDQ của Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn hóa Việt Nam cho thấy trên mẫu nghiên cứu gồm 1.202 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi 10 - 16 tuổi, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 19,46%. Tỷ lệ này đối với nam, nữ, tiểu học, trung học cơ sở, nội thành, ngoại thành không có gì khác biệt.

Năm 2007, nghiên cứu sức khỏe tâm thần của sinh viên năm thứ nhất ĐH Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy 39,6% sinh viên có biểu hiện triệu chứng trầm cảm. Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh mới đây về các vấn đề sức khỏe tâm thần của sinh viên cho thấy, trong tâm dịch Covid-19, có 56,8% thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

Các chuyên gia cho rằng, hầu hết các em khi đã mắc các chứng rối loạn tâm thần ở thể nặng thường là do cả quá trình dài có vấn đề về tâm lý nhưng không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời, việc đánh giá sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên, nhất là rối loạn căng thẳng sau sang chấn là vô cùng cần thiết. Từ đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần đưa ra những giải pháp giúp học sinh, sinh viên chủ động và tích cực hơn trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên cần được tăng cường, nhất là giai đoạn hậu Covid-19.

Các bạn học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội có nhu cầu tư vấn về sức khỏe tâm thần, có thể đến gặp trực tiếp Bác sỹ tại các Trạm y tế hoặc Bệnh viện ĐHQGHN để được tư vấn, hướng dẫn và điều trị.

Tổ YTTH-Bệnh viện ĐHQGHN