024 3554 4833 - 0888 182 115

Hoạt động liên tục 24/7

  |  

CÁCH PHÒNG BỆNH THẤP TIM (ARF)

Bệnh thấp tim hay còn gọi là Thấp khớp cấp (Acute Reheumatic Fever)
Bệnh thấp khớp cấp (ARF) là một bệnh viêm dị ứng xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A (Streptococcus A). Nguyên nhân gây bệnh là do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A týp M, thường khu trú ở đường hô hấp trên hoặc trên da.
Cơ chế do màng tế bào liên cầu khuẩn còn mang nhiều chất có độc tính với tế bào cơ tim, làm cho cơ tim biến đổi thành tự kháng nguyên và cơ thể sinh ra tự kháng thể. Phản ứng giữa tự kháng nguyên với tự kháng thể theo cơ chế miễn dịch dị ứng sẽ gây ra bệnh lý tổn thương cho cơ tim, màng trong tim, màng ngoài tim, khớp, thần kinh trung ương và tổ chức dưới da và chỉ để lại di chứng ở tim; Vì vậy các nhà y học cho rằng bệnh thấp tim là bệnh nhiễm độc miễn dịch, hay gặp ở lứa tuổi từ 10 - 15 tuổi (64,5%), xuất hiện sau một đợt viêm họng cấp do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra.
ARF chiếm 2-3% trong nhiễm liên cầu nhóm A mà không được điều trị triệt để sẽ tiến triển thành thấp tim và có khoảng 50% số bệnh nhân đã bị thấp tim sẽ lại tái phát. ARF gây tổn thương nặng nề tới cơ tim và van tim, do đó việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Hiện nay ARF đã hầu như không còn ở miền Bắc Châu Âu, nhưng vẫn còn rải rác xung quanh Địa Trung Hải và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh van tim ở người trẻ tuổi.
Hình 1: Bệnh thấp tim xảy ra sau khi bị viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A
Việc phòng bệnh thấp tim là vô cùng quan trọng bởi vì liên cầu khuẩn có thể khu trú ở đường hô hấp trên hoặc trên da và dễ lây nhiễm.
Cần chú ý biện pháp tuyên truyền để người dân biết lợi ích của việc điều trị viêm họng cho trẻ cũng như hậu quả tai hại của bệnh van tim do thấp đối với trẻ, phổ biến giáo dục sức khỏe cho trẻ giữ vệ sinh, giữ ấm tránh nhiễm lạnh, nâng cao thể chất, khi có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên cần điều trị sớm và triệt để, một khi phát hiện trẻ có những biểu hiện đau khớp thì cần đưa ngay trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.
Hình 2: Biến chứng thường gặp nhất của bệnh thấp tim là hở van 2 lá
Phòng thấp cấp I (phòng tiên phát): là phải phát hiện thật sớm và điều trị kịp thời viêm họng do liên cầu, nhằm loại trừ ngay sự nhiễm liên cầu khuẩn, giải quyết các yếu tố thuận lợi gây nhiễm liên cầu khuẩn. Trường hợp đã phát hiện ra nhiễm liên cầu thì cần dùng ngay Penicillin là thuốc được lựa chọn hàng đầu; dùng Benzathyl penicillin G 1,2 triệu đv, tiêm bắp 4 tuần/1 lần hoặc Penicillin V 250.000 đv x 2 lần/ngày x 10 ngày (theo Hội tim mạch Hoa kỳ và Tổ chức YTTG khuyến cáo), nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin thì thay thế bằng Erythrommycin uống trong 10 ngày.
Phòng thấp cấp II (phòng tái phát): là phòng cho những người bệnh đã bị thấp tim và phải bắt đầu ngay khi được chẩn đoán thấp tim, khi đó phải chú ý tuân thủ chế độ điều trị dự phòng thấp tim một cách nghiêm ngặt để dự phòng thứ phát. Khuyến cáo dùng thuốc bằng đường tiêm vì tỷ lệ tái phát thấp tim ở người bệnh dùng đường uống cao hơn đường tiêm nhiều, tiêm Penicillin dự phòng một tháng một lần theo chỉ dẫn của thầy thuốc (thuốc như trong phòng thấp cấp I). Các tác giả thống nhất phải điều trị dự phòng thứ phát, ít nhất 5 năm sau đợt điều trị tấn công. Thời gian điều trị dự phòng còn phụ thuộc vào lứa tuổi và cơ địa của từng người bệnh. Nếu thấp tim chưa có di chứng van tim thì thời gian dự phòng ít nhất là 5 năm, tốt nhất đến năm 18 tuổi; còn với thể tổn thương nặng ở tim có di chứng van tim thì nên phòng kéo dài suốt đời (khuyến cáo phòng tái phát ít nhất đến năm 45 tuổi).
Dự phòng phải thật kiên trì và tuân thủ theo yêu cầu của Bác sỹ, cần thiết và tôn trọng chế độ phòng thấp tim cấp II, tiêm (hoặc uống) thật đều đặn để dự phòng các đợt thấp tái phát và theo dõi tim mạch định kỳ.
Chúc các bạn luôn lạc quan và thật nhiều hạnh phúc!
Chịu trách nhiệm chuyên môn: TS.BS. Chu Dũng Sĩ, PGS.TS. Trịnh Hoàng Hà – Bệnh viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội