Để nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan tổ chức Chương trình sinh hoạt khoa học: “Chủng ngừa Zona cho người lớn từ nghiên cứu đến thực hành”. Chương trình với sự tham gia của hơn 40 bác sĩ, cán bộ y tế của Bệnh viện.
Tại buổi sinh hoạt, BS. Nguyễn Phương Mai, Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày nội dung: “Chủng ngừa Zona cho người lớn từ nghiên cứu đến thực hành”. Theo đó, bệnh Zona xảy ra do sự tái kích hoạt của vi rút thủy đậu. Trên 90% người lớn từ 50 tuổi trở lên đều từng mắc thủy đậu và có nguy cơ mắc Zona. Đau sau Zona là một biến chứng thường gặp với tỷ lệ 5-30% bệnh nhân.

Cũng tại buổi sinh hoạt này, lãnh đạo Bệnh viện, các báo cáo viên và đại diện các đơn vị tham gia đã tổ chức thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về bệnh Zona, thuỷ đậu; phương pháp điều trị và ngăn ngừa bệnh hiệu quả cho trẻ em, người cao tuổi.
Được biết, Zona thần kinh (còn gọi là bệnh giời leo) là bệnh lý có biểu hiện ngoài da nhưng có gốc rễ thần kinh do vi rút Varicella-Zoster (VZV) hay còn được gọi là vi rút Zona thần kinh thuộc chi Varicellovirus trong phân họ Alphaherpesvirinae của họ Herpesviridae gây ra – cũng là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu. Người nhiễm lần đầu sẽ biểu hiện như bệnh thủy đậu. Sau khi khỏi hoàn toàn bệnh thủy đậu, vi rút Varicella vẫn tồn tại và sống âm thầm trong hạch thần kinh nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và hoạt động trở lại khi gặp các điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược cơ thể,… gây ra bệnh Zona thần kinh.

Thời điểm giao mùa hay thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh Zona thần kinh bùng phát. Người phát bệnh Zona thường có biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng và mất ngủ. Phát ban đỏ và bọng nước bên trong chứa chất lỏng tập trung từng chùm, thường chỉ nằm 1 bên của cơ thể. Bọng nước khi vỡ tạo thành những vết loét, rỉ dịch và đóng vảy, ngứa, có thể để lại vết thâm (tăng sắc tố) hoặc thậm chí để lại sẹo nếu không được chăm sóc tốt vùng da bị tổn thương